10 lưu ý tránh trắng tay khi đầu tư bất động sản

13/08/2019

Bất động sản là tài sản có giá trị lớn. Để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra, người mua cần tham khảo ý kiến từ nhiều nguồn và khảo sát tình hình thực tế. 10 lưu ý do DDI tổng hợp sau đây sẽ là hành trang hữu ích mà bạn tuyệt đối phải nhớ trước khi rót tiền đầu tư vào bất động sản.

Pháp lý bất động sản

Hình 1: Yếu tố sống còn khi rót tiền đầu tư BĐS là nắm rõ pháp lý, tình trạng quy hoạch, thế chấp, tranh chấp,… 

Sản phẩm bất động sản vướng phải quy hoạch: Đây là một trong những tình huống mà rất nhiều người mua gặp phải. Hệ quả này là do người mua không kiểm tra hoặc không thể kiểm tra thông tin quy hoạch của bất động sản; hoặc bên bán biết nhưng không cung cấp đầy đủ thông tin cho bên mua, thậm chí có thể là do bên bán cố tình cung cấp thông tin sai lệch.

Sản phẩm bất động sản vướng phải tình trạng thế chấp: Một sản phẩm bất động sản đang thế chấp, được bảo lãnh tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng nhưng chưa được giải chấp tại thời điểm bán là một sản phẩm tiềm ẩn nhiều rủi ro. Gặp tình huống này, bạn nên bỏ qua ý định mua để hạn chế rủi ro, mất cả chì lẫn chài.

Sản phẩm bất động sản đang bị tranh chấp: Xác định tình trạng hiện tại của bất động sản hiện tại như thế nào cũng là một yếu tố đáng quan tâm. Nếu bạn chưa tìm hiểu xem liệu sản phẩm này có đang tranh chấp hoặc có bên thứ ba đang chiếm dụng để sử dụng và khai thác hay không; thì tốt nhất nên khoan triển khai kế hoạch mua để đảm bảo độ an toàn cho tài chính của bạn.

Hợp đồng mua bán không đúng chuẩn: Theo quy định, những hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản phải được thành lập thành văn bản và được công chứng. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn rất nhiều giao dịch diễn ra mà các bên ký kết hợp đồng không công chứng, giao dịch bằng đơn viết tay, thậm chí có thể chỉ qua lời nói thỏa thuận đôi bên. Đây được đánh giá là một sự liều lĩnh rất dễ dẫn đến rủi ro mất trắng cho người mua.

giao dịch bất động sản

Hình 2: Bên mua và bên bán nên giao dịch trực tiếp với nhau để dễ thống nhất nhiều nội dung quan trọng nhưnhư: giá cả, chi phí, thời gian và phương thức thanh toán,… 

Quá trình giao dịch không chính chủ: Trường hợp này thường xảy ra khi bất động sản đang giao dịch thuộc quyền sở hữu chung, nhưng chỉ có một bên đứng ra giao dịch hoặc người đứng ra thực hiện giao dịch không phải là chủ sở hữu. Ví dụ, nhà cửa của ông bà và bố mẹ nhưng con cháu lại đứng ra giải quyết mọi hoạt động giao dich.

Quá trình đặt cọc qua loa, thiếu kỹ lưỡng: Thời điểm đặt cọc sẽ vô cùng rủi ro, nếu bên bán và bên mua không chuẩn bị kỹ lưỡng và chi tiết các điều khoản ràng buộc. Không ít những vướng mắc, xung đột, “bể kèo”, “lật kèo” có thể xảy ra gây thất thoát lớn, thậm chí là trắng tay cho cả bên mua và bên bán.

Xung đột về giá cả, chi phí và phương thức thanh toán: Một khi chưa thỏa thuận kỹ về giá cả và chi phí (đặc biệt là tại thời điểm đặt cọc); thì tốt nhất khoan đặt bút ký bất cứ hợp đồng nào. Vì đôi bên rất dễ sẽ xung đột do không phân định được ai phải chịu khoản chi phí phát sinh. Bởi vậy, những thỏa thuận chi tiết như: thanh toán theo tiến độ như thế nào, bao nhiêu và bằng phương thức nào,… là vô cùng cần thiết.

Rủi ro khi né thuế: Bên bán kê khai giá trên bản hợp đồng có công chứng thấp hơn giá trị thật đã được thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc vì giá này là căn cứ tính thuế, phí phát sinh khi giao dịch thành công. Nếu sau khi công chứng một bên thay đổi ý định hoặc cố tình vi phạm hợp đồng thì có thể phát sinh xung đột.

Chất lượng bất động sản không đảm bảo: Xung đột này thường xảy ra do sự hời hợt của bên mua trong quá trình kiểm tra chất lượng nhà đất. Để tránh tình trạng xung đột và đảm bảo giá trị trọn vẹn cho bất động sản mình mua, bạn nên kiểm tra sản phẩm theo một hạng mục bài bản. Suất đầu tư tiền tỷ của bạn nhờ vậy sẽ tránh được rủi ro kém giá trị so với số tiền đã bỏ ra.

Rủi ro vì bị lừa đảo: Chủ sở hữu chỉ có một bất động sản nhưng mang đi đặt cọc, giữ chỗ, bán cho nhiều người bằng giấy tờ tay hoặc bằng hợp đồng đặt cọc, hợp đồng ủy quyền. Đây là những loại hợp đồng đầy rủi ro có thể khiến nhà đầu tư mất sạch tiền tỷ nếu gặp phải tình huống lừa đảo này.

Mua nhà đất để ở hay đầu tư đều cần phải hết sức cẩn thận, bởi đây là loại tài sản có giá trị lớn, thậm chí là gia sản cả đời người. Hy vọng với 10 khuyến nghị đa chiều, sát với thực tiễn trên sẽ giúp bạn hạn chế tối đa tình trạng thu lỗ, mất trắng,… xảy ra.

Xem tiếp