Bẫy mua bán nhà đất – Mua bán bằng hợp đồng vẫn bị lừa, đừng “tiếc tiền lẻ mất bạc trăm”

20/08/2019

Vì thiếu kinh nghiệm, chủ quan hoặc ngại mất chút tiền nhỏ để có tư vấn pháp luật, xác minh pháp lý bất động sản, nhiều người dễ dàng vướng vào các tranh chấp. Theo báo cáo của TAND TP.HCM, lượng án dân sự trong năm 2012 tăng gần 2.000 vụ so với năm 2011, chủ yếu vẫn là tranh chấp hợp đồng mua bán nhà đất, tranh chấp quyền sở hữu nhà đất…

Là những người ít có kinh nghiệm mua bán, nhưng lại muốn tiết kiệm “tiền lẻ”, nhiều khách mua nhà khi tự thực hiện các hoạt động tìm kiếm và giao dịch dẫn đến nguy cơ ngoài việc phải đối mặt với giấy tờ giả còn gặp nhiều rủi ro tranh chấp, kiện tụng kéo dài hàng năm trời. Những rủi ro này có thể này sinh trong bất kỳ khâu nào của quá trình mua bán.

Bẫy mua bán nhà đất –  Mua bán bằng hợp đồng vẫn bị lừa, đừng “tiếc tiền lẻ mất bạc trăm”

Bẫy mua bán nhà đất – Mua bán bằng hợp đồng vẫn bị lừa, đừng “tiếc tiền lẻ mất bạc trăm”

Mua nhà có ủy quyền bán giả tạo

Đây là trương hợp của những căn nhà bị “gán nợ”, do chủ nhà vay mượn tiền rồi làm tin bằng cách ký hợp đồng ủy quyền cho chủ nợ bán nhà. Tuy nhiên, việc ủy quyền này chưa được luật pháp chứng thực nên khi mua phải những căn nhà “ủy quyền giả” người mua chắc chắn sẽ vướng vào tranh chấp giữa người được ủy quyền và người chủ thực sự trên giấy tờ của căn nhà.

Như trường hợp của ông Hùng được báo Pháp luật chia sẻ. Ông Hùng mua một căn nhà tại Bình Thạnh. Căn nhà do bà Tiếp làm chủ sở hữu nhưng ủy quyền cho bà Nhung được phép mua bán trong thời hạn 20 năm.

Ông Hùng không biết vụ việc, nên sau khi hoàn tất việc công chứng ông Hùng trả 1,5 tỉ đồng cho bà Nhung để thực hiện tiếp việc sang tên. Nhưng sau vài ngày, Phòng TN&MT quận Bình Thạnh thông báo với ông căn nhà bị yêu cầu ngăn chặn không cho đăng bộ do có tranh chấp. Cụ thể là bên ủy quyền tranh chấp với bên được ủy quyền trong việc bán nhà. Theo bà Tiếp, sự thật là bà vay tiền của bà Nhung phải làm hợp đồng ủy quyền cho bà Nhung được quyền bán nhà nhưng việc ủy quyền chỉ mang tính hình thức và bà không đồng ý bán nhà.

Là người mua hợp pháp, tiền đã thanh toán đủ, không còn cách nào khác ông Hùng phải kiện ngược lại người ngăn chặn tức là bà Tiếp chủ sở hữu căn nhà. Tuy nhiên, TAND quận Bình Thạnh đã ra quyết định đình chỉ vụ án vì ông không cung cấp được địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nhung, tức người được ủy quyền và là người đã đứng ra ký giấy bán nhà cho ông.

Mua nhà chưa hoàn thiện thủ tục

Theo luật định, nhà, đất có giấy chủ quyền mới được giao dịch. Thế nhưng dù biết rõ người bán chưa đứng tên trên giấy chứng nhận, nhiều người vẫn nôn nóng muốn mua ngay và bị rơi vào tranh chấp.

Đây là trường hợp của bà Sương, mua nhà quận 9 dưới 500 triệu. Căn nhà này do bà Hoa mua lại của người khác tên D. Sau khi, bà Sương giao tiền mà chưa thấy bà Hoa làm thủ tục mua bán, bà Sương đã kiện bà Hoa ra tòa yêu cầu thực hiện hợp đồng.  Tòa đã buộc bà Hoa phải trả lại tiền cho bà Sương.

Cùng lúc, D. cũng kiện bà Hoa ra tòa vì cho rằng bà Hoa chưa trả đủ tiền cho mình mà đã bán nhà cho người khác. Tòa tuyên buộc bà Hoa phải trả nốt tiền mua nhà còn thiếu và bà D. có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án buộc bà Hoa phải thực hiện xong việc mua bán nhà đất.

Tuy nhiên, sau khi có bản án, bà D. không đả động gì đến việc yêu cầu thi hành án. Trong khi đó, bà Sương vẫn chưa được bà Hoa trả lại tiền nên rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bà Sương muốn mua nhà để sử dụng nhưng lại phụ thuộc vào việc yêu cầu thi hành án của bà D. và sự việc cứ nhùng nhằng đến nay.

Mua nhà “Đột nhiên” bị phát mại

Đây là trường hợp người mua nhà, mua bán đã thành công, đã dọn vào ở nhiều năm liền thì “đột nhiên” bị ngân hàng mang đi phát mại. Tháng 4-2008, chị Bình bỏ ra hơn 230 triệu đồng mua căn nhà 25 m2 của bà Thủy tại xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn). Căn nhà này trước đó bà Thủy mua của người khác và chưa làm thủ tục tách thửa, sang tên. Khi bán, bà Thủy cam kết khi nào chủ cũ làm thủ tục sang tên cho bà, bà sẽ sang tên căn nhà cho chị Bình nhưng sau khi lấy tiền, bà Thủy cứ khất hẹn. Đến cuối năm 2011, Chi cục THA huyện Hóc Môn thông báo cho chị Bình là nhà chị sẽ kê biên, phát mại nhà đất theo yêu cầu của một ngân hàng. Theo hồ sơ ngân hàng cung cấp, toàn bộ nhà, đất mà gia đình chị đang ở đã được bà Thủy làm thủ tục tặng cho con trai mình hai ngày trước khi bán cho chị Bình. Căn cứ trên giấy tặng cho này, Phòng TN&MT huyện Hóc Môn đã sang tên cho con trai bà Thủy và anh này mang thế chấp cho ngân hàng. Vì vậy, căn nhà bị ngân hàng phát mại. Mặc dù hành vi gian dối của bà Thủy đang được Công an TP.HCM xem xét, xử lý. Nhưng chị Bình cũng phải vướng vào tranh chấp về mua bán.

Ba trường hợp kể trên chỉ là một trong số rất nhiều những rủi ro người mua nhà dễ gặp phải khi tự mua bán nhà đất mà chưa được chuyên gia pháp lý tư vấn. Việc tiết kiệm chi phí kiểm tra pháp lý bất động sản chỉ là cách làm “tiết kiệm tiền lẻ mất bạc trăm” của rất nhiều khách mua nhà.

Xem tiếp