Bí quyết giúp vay mua nhà trả góp “xuôi chèo mát mái”

20/08/2019

Hình thức mua nhà trả góp ra đời đã mang đến giải pháp cho nhiều người có thể sở hữu ngôi nhà riêng của mình dù điều kiện tài chính còn khó khăn. Tuy nhiên, việc mua nhà trả góp nếu không nắm rõ quy trình, thủ tục và không có bước chuẩn bị kỹ càng trước những tình huống phát sinh thì người đi vay rất dễ lâm vào tình trạng chật vật xoay xở giấy tờ, chịu gánh nặng áp lực về các khoản nợ cùng khoản lãi vay phải trả định kỳ.

Bí quyết giúp vay mua nhà trả góp “xuôi chèo mát mái”

Lên kế hoạch ứng phó bẫy lãi suất

Bất động sản nhà đất có giá trị rất lớn và khi vay trả góp khó tránh khỏi những ràng buộc với bên thứ ba là ngân hàng. Vậy nên trước khi quyết định vay và làm thủ tục hồ sơ vay thì bạn cần lên kế hoạch ứng phó với bẫy lãi suất để biết cách vay khôn ngoan, không lâm vào tình cảnh chật vật với các khoản nợ sau khi vay.

  • Tiền tích lũy tối thiểu 30% giá trị tài sản

Vay tiền ngân hàng để mua nhà nhưng tốt nhất bạn nên có khoản tiền tích lũy tối thiểu 30% giá trị tài sản, lý tưởng nhất thì khoản tiền tích lũy nên đạt mức 50% giá trị căn nhà tương đương tỷ lệ vay khoảng 50% giá trị tài sản. Đây được xem là tỷ lệ lý tưởng để người vay không bị áp lực về mặt tài chính, không quá căng khẳng với những khoản trả lãi định kỳ.

  • Xác định nhu cầu và khả năng trả nợ vay

Người vay cũng nên xác định rõ và chọn mua căn nhà phù hợp với nhu cầu, trong tầm khả năng tài chính, không nên mua căn nhà có giá trị quá lớn bởi dù là được cho vay nhưng gánh nặng trả lãi và gánh nặng tài chính sẽ khiến bạn phải còng lưng ra trả những khoản nợ gốc cũng như những khoản lãi vay vốn không cần thiết.

Thêm vào đó, người vay nên có khoản thu nhập ổn định, có cơ sở tài chính vững vàng, cân đối điều chỉnh hợp lý các khoản chi tiêu sinh hoạt và nên có thêm các nguồn thu nhập phụ khác để có thể đảm bảo trả được nợ vay ngay cả trong điều kiện lãi suất tăng lên hay nhiều chi phí phát sinh bất ngờ.  

  • Cân nhắc phương án vay và lưu ý về lãi suất

Lời khuyên từ chuyên gia là nếu đã vay thì nên chọn mốc thời gian vay trên 5 năm hay càng dài càng tốt bởi như vậy có thể giảm thiểu số vốn gốc hàng tháng xuống mức thấp nhất, giảm thiểu gánh nặng tài chính cho người vay. Tuy nhiên, khi đã chọn mốc thời gian vay thì bạn cũng cần lưu ý đến các điều khoản lãi suất phạt trả nợ trước hạn. Có nhiều người muốn thanh toán dứt nợ sớm hơn mốc thời gian vay thường chịu phạt khá nặng từ 1-3% trên số tiền trả nợ trước hạn.

Thực tế, khoản vay mua nhà được xem là khoản vay tiêu dùng nên vì vậy mà lãi suất sẽ khá cao. Mức lãi suất này thường bị thả nổi, áp dụng biên độ thay đổi định kỳ 6 – 12 tháng một lần nên trước khi vay phải xem kỹ lãi xuất thay đổi cho các năm sau.

Ngoài ra, bất động sản nhà ở là tài sản có giá trị cao và việc vay vốn ngân hàng để mua nhà cũng dễ gặp rủi ro bất ngờ nên vì vậy mà bạn cần mua bảo hiểm cho căn nhà, phí này tương đối thấp vào khoảng 0,14%.

Quy trình & thủ tục vay mua nhà trả góp

Đối với mỗi ngân hàng, thủ tục vay mua mua nhà trả góp sẽ có những yêu cầu cụ thể và có chuyên viên tư vấn tín dụng hỗ trợ chuẩn bị cho người vay. Tuy nhiên, để làm tốn kém thời gian thì người vay nên tìm hiểu, chuẩn bị hồ sơ giấy tờ đầy đủ nhằm giúp cho thủ tục vay mua nhà trả góp trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.

  • Chuẩn bị hồ sơ giấy tờ

Hồ sơ chứng minh nhân thân:

CMND hoặc những giấy tờ có giá trị tương ứng như Hộ chiếu hoặc giấy tờ thứ cấp như Bằng lái xe; Sổ Hộ khẩu hoặc KT3, giấy tạm trú; Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân: Đăng ký kết hôn hoặc Giấy xác nhận độc thân.

Hồ sơ chứng minh được mục đích sử dụng vốn:

Giấy đề nghị vay vốn (theo mẫu sẵn của Ngân hàng); Hợp đồng mua bán nhà hay giấy thỏa thuận do 2 bên lập; Chứng từ nộp tiền các lần đã thanh toán vốn tự có; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu & hồ sơ pháp lý của nhà đất dự định mua.

Hồ sơ tài chính:

Đối với cá nhân làm công ăn lương thì cần có các giấy tờ chứng minh như: Hợp đồng lao động (chứng minh tính minh bạch trong công việc đang làm), Bảng lương (phiếu nhận lương) hay Sao kê tài khoản trả lương qua ngân hàng. Nếu có nguồn thu nhập khác từ cho thuê tài sản như nhà cho thuê hay xe thì cần các giấy tờ chứng minh như: giấy tờ pháp lý tài sản cho thuê, hợp đồng cho thuê, chứng từ nhận tiền cho thuê 3 kỳ gần nhất, ảnh chụp tài sản cho thuê. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý rằng những khoản thu nhập từ mua bán chứng khoán hay cổ phiếu sẽ không được chấp nhuận.

Đối với chủ doanh nghiệp thì cần các giấy tờ chứng minh như: Giấy đăng ký kinh doanh & Giấy chứng nhận mã số thuế; Báo cáo tài chính công ty, Bảng kê khai Thuế và chứng tờ nộp Thuế;

Đối với chủ hộ kinh doanh cá thể thì cần có: Giấy đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận mã số thuế; Sổ sách ghi chép bán hàng; Hóa đơn bán lẻ (nếu có).

  • Thẩm định hồ sơ và định giá tài sản đảm bảo

Sau khi cung cấp đầy đủ hồ sơ giấy tờ cần thiết thì phía ngân hàng sẽ tiến hành thực hiện thẩm định hồ sơ vay vốn mua nhà của người vay. Quy trình này sẽ bao gồm: kiểm tra lịch sử tín dụng và điểm tín dụng của người vay, thẩm định thông qua trao đổi điện thoại, thẩm định thực tế nơi làm việc/kinh doanh, nơi cư trú và đi thực tế để định giá tài sản đảm bảo.

Đối với việc thẩm định giá tài sản đảm bảo có thể được tiến hành đồng thời hoặc có thể định giá sau khi có quyết định chấp thuận cho vay và giá trị của tài sản đảm bảo sẽ là căn cứ để ngân hàng phê duyệt mức cho vay đối với khách hàng.

  • Quyết định cho vay và thủ tục giải ngân

Khi hồ sơ vay mua nhà trả góp của người vay đáp ứng đủ điều kiện thì ngân hàng sẽ gửi thông báo cấp tín dụng, tiến hành làm các thủ tục thế chấp tài sản và giải ngân khoản vay. Sẽ chia thành hai trường hợp như sau:

Với trường hợp đã hoàn thành thủ tục sang tên, các bên ký hợp đồng thế chấp công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khi này ngân hàng sẽ giữ bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu gồm sổ đỏ, sổ hồng, … trước khi giải ngân cho khách hàng.

Trong trường hợp chưa hoàn thành thủ tục sang tên thì cả bên mua, bên bán và ngân hàng sẽ cùng tham gia ký thỏa thuận 3 bên về việc giải ngân phong tỏa sổ tiết kiệm hay mở tài khoản tạm khóa với khoản tiền giải ngân cho bên mua. Sau khi ký kết hợp đồng tín dụng, ngân hàng sẽ giải ngân khoản vay vào sổ tiết kiệm/ tài khoản tạm khóa đứng tên Bên bán và phong toả tài khoản này cho đến khi hai bên mua bán hoàn tất thủ tục sang tên theo đúng quy định của pháp luật. Khi bên vay vốn để mua nhà thực hiện ký hợp đồng thế chấp công chứng và làm thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định thì ngân hàng mới tiến hành giải tỏa sổ tiết kiệm/tài khoản tạm khóa cho bên bán.

Nhân viên tín dụng sẽ kiểm tra thường xuyên việc sử dụng vốn vay thực tế của khách hàng, theo dõi tình hình tài chính cùng hiện trạng tài sản đảm bảo. Chỉ đến khi khách hàng trả hết nợ và lãi vay cho ngân hàng thì khi đó quy trình cho vay kết thúc và thanh lý hợp đồng sẽ là bước cuối cùng trong quy trình cho vay mua nhà trả góp.

Xem tiếp