Cách tránh “bẫy rủi ro” khi mua bán nhà đất

20/08/2019

Mua bán nhà đất vẫn luôn rình rập đầy rủi ro, chúng xuất hiện muôn hình vạn trạng mà nếu không để ý người mua sẽ rất dễ mắc phải và chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Tuy hệ thống pháp luật có những ràng buộc nhằm bảo vệ người mua lẫn người bán nhưng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, khó tránh khỏi bất cập làm lỗ hổng cho người có tâm lợi dụng. Cách hiệu quả nhất để hạn chế rủi ro là chính người mua nhà cần phải tìm hiểu kỹ và học cách tự bảo vệ mình trước khi có sự can thiệp từ cơ quan chức năng.

7-cau-hoi-thuong-gap-ve-quy-dinh-mua-ban-nha-dat

Trong thời buổi kinh tế phát triển như hiện nay đã tạo cơ hội cho người dân có điều kiện để mua nhà ở. Tuy nhiên để mua được nhà thuận lợi không hẳn là điều dễ dàng có không ít rủi ro tồn tại khiền người mua chịu cảnh tiền mất tật mang, vừa không mua được nhà mà thậm chí còn tốn kém thời gian, công sức hơn để giải quyết các thủ tục giấy tờ pháp lý rắc rối sau đó. Chính vì thế mà người mua cần phải tìm hiểu thông tin, cân nhắc lựa chọn thật kỹ và tốt nhất nên tìm cách phòng tránh rủi ro khi mua nhà mà đặc biệt phải cẩn trọng trước những căn nhà được rao bán với giá rẻ.

Những bẫy rủi ro thường gặp

Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi và như tung “hỏa mù” cho người mua mắc bẫy. Trên thực tế đã xuất hiện những tình huống khiến người mua nhiều phen chịu thiệt thòi.

  1. Người bán nhận cùng lúc tiền đặt cọc từ nhiều người

Trường hợp này xảy ra khá phổ biến và cũng là rủi ro khó tránh khỏi. Người bán treo biển bán và đưa ra mức bán hợp lý, ai tới xem cũng đều yêu cầu đặt cọc. Thường thì người mua nếu ưng ý với căn nhà sẽ nảy sinh tâm lý sợ người bán giao dịch cho người khác nên họ cũng muốn đặt cọc trước để không bị giành mất.

Người bán khi đã nhận tiền đặt cọc thì lại đưa ra những yêu cầu gây khó dễ cho người mua như: phải thanh toán tiền đủ trong thời gian ngắn, sau 1 2 ngày mới ra công chứng để chuyển giao giấy tờ sang tên. Khi người mua không đáp ứng được thì tiền đặt cọc này khả năng sẽ mất oan và bị người mua chiếm đoạt.

Ngoài ra, khi đặt cọc với chủ nhà mà không tiến hành công chứng, chỉ thỏa thuận bằng viết tay thì khả năng mất tiền cọc là rất lớn mà nếu có tranh chấp phát sinh phải ra tòa án thì tòa án cũng không giải quyết được.

  1. Giấy tờ nhà đất là giả

Đó là trường hợp người tiến hành giao dịch với người mua lại không phải chủ nhà thực sự đứng tên trên giấy tờ. Đó chỉ là người lợi dụng lấy giấy tờ nhà đất đi làm giả và đồng thời ngụy tạo luôn các giấy tờ chứng minh nhân thân để thực hiện giao dịch với người mua.

Với trường hợp này, chủ nhà thường không hay biết gì hoặc biết nhưng cố ý thông đồng để lừa tiền người mua. Người mua khi này nếu không cẩn thận, vội vàng muốn mua nhà, không phân biệt được giấy tờ giả hay thật thì sẽ dễ mắc bẫy tiến hành làm hợp đồng mua bán, thanh toán tiền mà đến lúc đem đi công chứng mới vỡ lẽ ra thì cũng quá muộn.

  1. Nhà bán đang thế chấp tại ngân hàng

Tình trạng này cũng khá phổ biến khi nhà đang thế chấp tại ngân hàng nhưng chủ nhà vẫn muốn đem ra bán. Thực tế thì nhà đang thế chấp tại ngân hàng vẫn có thể đem bán nếu được sự chấp thuận từ phía ngân hàng nhận thế chấp. Tuy nhiên, thủ tục giấy tờ cần làm khá phức tạp và rất dễ tạo lỗ hổng khiến người mua gặp phải rủi ro pháp lý và chịu thiệt hại tiền bạc.

  1. Mua nhà của người đã có gia đình nhưng trên giấy tờ thỏa thuận không có đủ chữ ký của cả vợ và chồng

Cho dù căn nhà có giấy tờ pháp lý hợp lệ nhưng vẫn có thể phát sinh rủi ro mà người mua không ngờ tới. Đó là trường hợp mua nhà đất từ người đã có gia đình nhưng khi tiến hành giao dịch chỉ có chữ ký của vợ hoặc chồng, khi đã lỡ ký hợp đồng mua bán, chuẩn bị làm thủ tục sang tên thì bỗng người vợ hoặc chồng khởi kiện yêu cầu dừng thủ tục sang tên thì lúc đó giao dịch coi như bị “đứng” và hợp đồng trở nên vô hiệu. Bởi theo quy định, nếu nhà đất đó là tài sản chung của vợ chồng thì khi giao dịch mua bán, thế chấp đều cần có sự chấp thuận từ cả hai.

Nếu không có sự chấp thuận, người vợ/chồng có quyền khởi kiện và tòa án khi này sẽ tuyên hợp đồng giao dịch là vô hiệu, tức các bên khi này sẽ hoàn trả lại hiện trạng như ban đầu, người bán hoàn trả lại tiền cho người mua. Đôi khi không mất tiền bạc nhưng lại làm người mua tốn kém thời gian, công sức mà người ta thường hay gọi là “công dã tràng”, đã không mua được nhà mà còn phải gặp thêm nhiều phiền toái.

Làm gì để tránh rủi ro khi mua nhà đất

Ngoài những trường hợp kể trên cũng còn có nhiều tình huống khác được bên bán “bẫy” ra để lừa tiền mà chủ yếu đều dựa vào tính thiếu cảnh giác, mù mờ thông tin của người mua. Trong khi đó, nếu người mua biết trang bị thêm thông tin thì hoàn toàn có thể tránh được những bẫy lừa đảo kể trên cũng như bảo vệ được tiền bạc cho mình.

Để tránh bị lừa thì trước tiên người mua nên xác minh thật kỹ các thông tin liên quan về người bán, xem xét các giấy tờ chứng minh nhân thân cũng như giấy tờ nhà đất thật kỹ, để ý đến số năm, diện tích, vị trí địa lý … tốt nhất nên xin bản photo đem đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để kiểm chứng.

Trước khi quyết định có nên mua hay không thì thử đến tận nơi để xem xét, kiểm tra tài sản thực và đồng thời xác minh người chủ nhà đứng ra bán có phải chủ nhà thật sự hay không bằng cách hỏi thăm hàng xóm xung quanh.

Bên cạnh đó, cũng nên hỏi kỹ xem chủ nhà có thực sự muốn bán hay không, tức cả hai vợ chồng có đồng ý bán hay chỉ một người muốn bán và một người không. Điều này sẽ giúp tránh được trường hợp người chồng muốn bán nhưng vợ thì không và chồng lén giấu vợ, lấy giả chữ ký của vợ để thực hiện giao dịch. Nếu người mua không biết mà lỡ tiến hành thực hiện giao dịch với người bán thì về sau khó tránh khỏi gặp phải tranh chấp. Và để đảm bảo thì tốt nhất khi ký hợp đồng chuyển nhượng nên yêu cầu phải có chữ ký của cả hai vợ chồng nếu chủ nhà đã có gia đình và có sự đồng ý của tất cả các thành viên trên 18 tuổi có tên trong sổ hộ khẩu.

Đối với tường hợp mảnh đất hay căn nhà là tài sản thừa kế của nhiều người thì khi thực hiện mua bán cũng cần yêu cầu sự chấp thuận của tất cả các thành viên để tránh tranh chấp xảy ra.

Còn nếu khi mua nhà thực hiện giao dịch bằng hợp đồng ủy quyền thì bạn có thể liên hệ với tổ chức hành nghề công chứng để xác minh lại hợp đồng có thật hay không rồi mới quyết định giao dịch mua bán.

Để tránh được bẫy thì đòi hỏi người mua phải hết sức cẩn thận, cân nhắc kỹ càng, tìm hiểu thông tin, không nên quá vội vã quyết định để rồi dễ rơi vào “bẫy”. Muốn an toàn hơn thì người mua nên tìm đến bên thứ ba để được hỗ trợ kiểm tra thủ tục giấy tờ pháp lý, đảm bảo cho quá trình giao dịch mua bán diễn ra an toàn, minh bạch, hiệu quả.

Xem tiếp