Cân nhắc khi mua nhà đất “giá rẻ” đồng sở hữu chung nhiều người

20/08/2019

Mua nhà đất sổ chung đứng tên đồng sở hữu đã không còn hiếm lạ khi tâm lý nhiều người thường khó cưỡng lại trước những căn nhà hay mảnh đất được rao bán với giá thấp. Bên cạnh đó, thủ tục mua nhà đứng tên đồng sở hữu cũng có nhiều điểm bất lợi, người mua như “cầm dao đằng lưỡi” mà nếu không tỉnh táo, cẩn trọng thì rất có thể dẫn đến tình trạng tranh chấp và thậm chí còn mất bạc trắng khi thực hiện giao dịch mua bán đối với loại hình nhà ở này.

Cân nhắc khi mua nhà đất “giá rẻ” đồng sở hữu chung nhiều người

Rắc rối khi mua nhà đồng sở hữu

Nhà đứng tên đồng sở hữu thì tức là tài sản chung của nhiều người, theo đó khi một người muốn tách thửa, bán nhà, sửa chữa hay chuyển nhượng thì đều phải thông qua sự đồng ý của các đồng sở hữu còn lại. Điều đó cũng dẫn tới nhiều khó khăn, rắc rối trong thủ tục đối với người mua nhà bởi sau khi mua xong cần phải thỏa thuận với các đồng sở hữu để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà nếu không có sự đồng ý của một người thì không thể thực hiện được. Trong trường hợp đồng sở hữu giữ bản chính giấy tờ mà không giao nộp thì cũng khó cho giao dịch diễn ra trọn vẹn.

Thực tế thì mua nhà sở hữu chung chịu khá nhiều rủi ro về mặt pháp lý bởi có nhiều vấn đề bất cập. Đơn cử như trường hợp chủ sở hữu hợp pháp của ngôi nhà không đứng ra bán mà ủy quyền hoặc bán giấy tay cho người trung gian và người trung gian này bỏ tiền ra chuyển mục đích sử dụng đất, xây nhà với tên chủ đất cũ. Người mua khi làm hợp đồng mua bán cùng vi bằng thể hiện giao tiền đều thực hiện với người trung gian này. Trong trường hợp chủ nhà cũ đổi ý, hủy giấy ủy quyền và đòi lại nhà thì người mua sẽ lâm vào tình thế trắng tay bởi tất cả giao dịch đều là thông qua trung gian chứ không trực tiếp với chủ sở hữu. Trong khi đó, quyền sở hữu vẫn nằm ở chủ sở hữu cũ, không có hợp đồng mua bán nhà đất công chứng hợp pháp với chủ sở hữu cũ thì giao dịch đều trở nên vô hiệu.

Chính vì vậy mà người mua nên hạn chế tham gia vào các giao dịch đồng sở hữu bởi khi có tranh chấp xảy ra thì rất phiền hà và khó giải quyết triệt để. Thêm vào đó, mảnh đất chỉ được tách sổ riêng khi đủ diện tích chia nhỏ theo luật quy định và đã thông qua sự thỏa thuận với người đồng sở hữu, nếu có phát sinh bất đồng hay xung đột lợi ích thì giao dịch đứng trước nguy cơ bị đổ bể là rất lớn.

Tuy biết rủi ro nhưng nhiều người vẫn nhắm mắt mua liều bởi những căn nhà đứng tên đồng sở hữu có giá cả vừa túi tiền với điều kiện người dân. Nếu mua để ổn định lâu dài thì không gặp nhiều rắc rối nhưng nếu muốn chuyển nhượng mua bán lại thì người mua cần cân nhắc bởi chẳng những nhà bán với giá thấp hơn mà thủ tục pháp lý khá rườm rà, tốn kém công sức và còn có thể dẫn đến tranh chấp.

Thủ tục khi mua nhà đồng sở hữu

nhà đất là loại tài sản có đăng ký nên mọi giao dịch mua bán, cho tặng, thừa kế đều phải tuân theo quy định pháp lý và thủ tục mua bán cần phải được thông qua sự kiểm tra chặt chẽ, giám sát của cơ quan quản lý. Cụ thể là cần phải thể hiện bằng hợp đồng, qua phòng công chứng, làm thủ tục đăng bộ và đóng thuế đầy đủ. Nếu không làm theo đúng quy định thì những tranh chấp xảy ra sau này đều bị Tòa án tuyên là hợp đồng vô hiệu và như vậy thiệt hại phần lớn sẽ thuộc về phía người mua.

Đối với nhà thuộc sở hữu chung thì việc chuyển nhượng cần phải có sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu bằng văn bản theo quy định. Trong trường hợp vì nhu cầu nhà ở, buộc phải mua những dạng nhà đứng tên đồng sở hữu thì người mua trước tiên nên yêu cầu người bán cung cấp các giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu theo phần của người bán trong căn nhà đó. Đồng thời yêu cầu người bán thông báo cho đồng sở hữu về giao dịch mua bán này và đồng sở hữu từ chối thực hiện quyền ưu tiên mua để tránh xung đột, tranh chấp phát sinh.

Ngoài ra, người mua cũng cần chú ý đến các biện pháp hạn chế thấp nhất rủi ro như: công chứng mua bán một phần quyền sử dụng đất hoặc nhà để cùng đứng tên đồng sở hữu; lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền, nhà đất và lập ghi nhận thỏa thuận với người bán cùng các đồng sở hữu về các phần chung, riêng, quản lý Giấy chứng nhận và phương thức xử lý trong trường hợp cần bán nhà cho người khác.

Xem tiếp