Làm sổ đỏ: Chuyển nhượng đất chỉ bằng giấy viết tay, có được cấp sổ đỏ không?

24/03/2022

Câu hỏi của độc giả gửi về chương trình Tư vấn Pháp lý bất động sản, có nội dung:

“Mua đất chỉ có giấy viết tay, vẫn được cấp sổ đỏ, có phải không? Cụ thể, vào năm 2019, tôi mua đất bằng giấy viết tay (không có công chứng, chứng thực)”

Luật sư Trần Phú Vinh trả lời:

Mua đất chỉ có giấy viết tay, thì TÙY TRƯỜNG HỢP mới được cấp sổ đỏ.

Việc cấp sổ đỏ cho người nhận chuyển nhượng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như:

– Nguồn gốc sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất, tình trạng pháp lý (tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện);

– Nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước của người chuyển nhượng đất; và

– Các thủ tục pháp lý khác (như đo vẽ, xác nhận ranh với các người sử dụng đất liền kề…)

Chuyển nhượng đất chỉ bằng giấy viết tay, có được cấp sổ đỏ không

Hai trường hợp mua đất bằng giấy tay vẫn được cấp sổ đỏ

Trường hợp người nhận chuyển nhượng quyền Sử Dụng Đất (SDĐ) bằng giấy viết tay mà thuộc một trong hai trường hợp kể dưới đây thì vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định (hay còn gọi là sổ đỏ).

Cụ thể:

Căn cứ quy định tại khoản 54 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP:

Người SDĐ thuộc một trong các trường hợp sau đây (và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 82 Nghị định 43/2014/NĐ-CP) thì được thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ lần đầu theo quy định của pháp luật về đất đai, mà không phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất:

(1) Người SDĐ đang SDĐ do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước ngày 01/01/2008;

(2) Người SDĐ đang SDĐ do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ngày 01/01/2008 đến trước ngày 01/7/2014 mà có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 01/2017/NĐ-CP).

Các trường hợp khác, không có công chứng/ chứng thực thì bị coi là vô hiệu

Trừ 2 trường hợp trên, thì các trường hợp còn lại sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi không có hợp đồng chuyển nhượng quyền SDĐ được công chứng hoặc chứng thực hợp pháp theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật đất đai.

Nếu không có công chứng, chứng thực thì việc chuyển nhượng bị coi là vô hiệu và không đủ điều kiện hồ sơ để làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, việc chuyển nhượng quyền SDĐ thông qua giấy viết tay không được coi là căn cứ để làm giấy chứng nhận quyền SDĐ.

Như vậy, theo thông tin câu hỏi bạn cung cấp, giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bạn được thực hiện vào năm 2019, vì vậy, bạn không thuộc một trong các trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo như quy định nêu trên.

Xem tiếp