Thủ tục hoàn công nhà ở – Bước hoàn thiện pháp lý không thể bỏ qua

20/08/2019

Hoàn công là thủ tục quan trọng và được xem như bước cuối cùng hoàn thiện về mặt pháp lý của căn nhà. Có khá nhiều trường hợp chủ nhà lơ là thủ tục hoàn công, không am hiểu thủ tục hoàn công dẫn đến việc khi muốn làm hoàn công thì hồ sơ không đủ các loại giấy tờ theo yêu cầu, phải chờ đợi mòn mỏi để giải quyết và sự chờ đợi ấy đôi khi còn không có điểm dừng, gây tốn kém thời gian, công sức lẫn tiền bạc.

Thủ tục hoàn công nhà ở - Bước hoàn thiện pháp lý không thể bỏ qua

Xét trên bình diện các yếu tố thì nhà ở nếu chưa hoàn công sẽ không thể thực hiện được việc chuyển nhượng, mua bán hợp pháp hoặc nếu có thì sau đó cũng gặp phải nhiều rắc rối phát sinh. Lẽ đó mà nhiều trường hợp mua nhà chưa hoàn công, muốn sửa chữa cũng khó khăn mà bán lại thì còn gặp nhiều trở ngại hơn do người mua thường có tâm lý e dè. Thậm chí nếu để lâu thì việc thực hiện thủ tục hoàn công còn đặc biệt khó khăn và tốn kém hơn nữa. Bởi thế mà chủ nhà cần lưu ý về thủ tục hoàn công xây dựng nhà ở cho căn nhà của mình và người mua nhà cũng cần chú ý đến thủ tục này để cân nhắc kỹ trước khi quyết định xuống tiền.

Tầm quan trọng của hoàn công nhà ở

Hoàn công nhà ở có thể xem là một khâu quan trọng cuối cùng nhằm hợp thức hóa về mặt thủ tục sở hữu căn nhà. Nhiều người không am hiểu thì cho rằng việc hoàn công và việc mua bán nhà chẳng liên quan gì đến nhau nhưng thực chất chúng lại gắn bó chặt chẽ với nhau, căn nhà nếu không được hoàn công đầy đủ thì việc mua bán sẽ rất khó khăn. Thêm nữa, người mua cũng thường mang tâm lý e ngại với những căn nhà chưa được hoàn công, hoặc nếu có mua cũng sẽ trả giá căn nhà xuống mức thấp hơn rất nhiều so với giá trị thật và ít nhiều đều sẽ gây thiệt thòi cho chủ nhà.

Mặt khác, có những trường hợp khi mua nhà, người mua cứ nghĩ rằng chỉ cần có sổ đỏ là an tâm và bỏ qua tình trạng hoàn công nhà ở. Đến khi đóng thuế trước bạ sang tên, làm thủ tục đăng bộ thì mới phát hiện hiện trạng thực tế của căn nhà khác với hiện trạng trong sổ đỏ. Mà theo quy định của pháp luật thì hiện nay những trường hợp nhà có hiện trạng thay đổi thì không thể tiến hành mua bán hay chuyển nhượng được. Chỉ khi nhà ở được hoàn thiện thủ tục hoàn công theo đúng hiện trạng thực tế thì mới tiếp tục thủ tục mua bán sang nhượng bình thường.

Điều đó có nghĩa rằng, nếu người mua không kiểm tra hiện trạng nhà trong sổ đỏ, sổ hồng có đúng với thực tế hay không thì sẽ dễ gặp phải nhiều phiền phức và thậm chí nếu có lỡ mua về thì sau này cũng gặp nhiều khó khăn khi muốn chuyển nhượng lại. Chính vì tầm quan trọng kể trên mà việc hoàn công nhà ở sau khi hoàn tất xây dựng là đặc biệt cần thiết và nên được tiến hành càng sớm càng tốt.

Thủ tục và hồ sơ hoàn công xây dựng nhà ở

Thủ tục hoàn công nhà ở

  1.Xác định điều kiện hoàn công

Hoàn công nhà ở là một thủ tục bắt buộc đối với tất cả các nhà ở phải xin phép xây dựng. Đối với trường hợp nhà ở không cần xin phép xây dựng thì cũng không nhất thiết phải tiến hành thủ tục hoàn công.

Hiểu rõ hơn thì theo quy định tại Luật xây dựng 2014, nhà ở tại nông thôn mà không xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa thì không cần cấp phép xây dựng. Còn nếu nhà ở xây dựng tại đô thị, xây dựng tại nông thôn mà trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa thì cần phải xin phép xây dựng. Chủ nhà nằm trong trường hợp cần cấp phép xây dựng thì phải tiến hành thủ tục hoàn công khi xây dựng nhà ở theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, đầu tiên bạn cần xác định vị trí xây dựng là trong đô thị hay tại nông thôn, và nếu tại nông thôn thì thuộc trường hợp nào. Điều này sẽ giúp chủ nhà biết được nhà ở xây xong cần thực hiện thủ tục hoàn công hay không. Cũng lưu ý thêm rằng, thủ tục hoàn công không dựa vào yếu tố công trình là lớn hay nhỏ, nhà ở cấp 4 hay nhà lầu mà hoàn toàn do các điều kiện pháp lý của căn nhà quyết định. Và hoàn công nhà ở cũng chỉ được tiến hành khi bên thi công hoàn tất việc thi công nhà ở trên thực tế.

  2.Chuẩn bị hồ sơ

Theo quy định của pháp luật hiện hành, chủ nhà xin hoàn công phải đáp ứng các loại giấy tờ được quy định trong danh mục này, tuy nhiên không phải mọi trường hợp xin hoàn công đều phải tuân thủ đầy đủ 8 loại giấy tờ được nêu, cụ thể như sau:

1) Giấy phép xây dựng.

2) Hợp đồng xây dựng của chủ nhà ký với các nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công xây dựng (nếu có).

3) Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng.

4) Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công xây dựng.

5) Báo cáo kết quả thẩm tra và văn bản kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công xây dựng.

6) Bản vẽ hoàn công (trong trường hợp việc thi công xây dựng có sai khác so với thiết kế bản vẽ thi công xây dựng).

7) Báo cáo kết quả thí nghiệm, kiểm định (nếu có).

8) Văn bản thỏa thuận, chấp thuận, xác nhận của các tổ chức, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (nếu có) về an toàn phòng cháy, chữa cháy; an toàn vận hành thang máy.”

  3.Liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Nếu là nhà ở riêng lẻ của người dân hay các công trình xây dựng khác thuộc địa giới hành chính quận, huyện thì liên hệ tại UBND quận, huyện. Còn đối với nhà ở riêng lẻ ở điểm khu dân cư nông thôn mà đã có quy hoạch xây dựng thuộc giới hành chính xã thì liên hệ tại UBND xã.

Để thực hiện tốt khâu thủ tục hoàn công thì chủ nhà cần nắm rõ quy trình thủ tục hoàn công nhà ở để không bị rối, tốn kém thời gian, công sức. Tốt nhất thì nên thực hiện hoàn tất thủ tục hoàn công càng sớm càng tốt để đảm bảo chuyển đổi hiện trạng sổ hồng đúng thực tế và như vậy sẽ giúp cho việc giao dịch mua bán trở nên suôn sẻ hơn.

Xem tiếp