Trót dại vì mua nhà vi bằng

20/08/2019

Nhiều người mua nhà vẫn chưa hiểu được bản chất của vi bằng là gì dẫn đến mất nhà oan uổng… Hãy cùng DDI tìm hiểu thêm về một số kinh nghiệm mua nhà vi bằng trong bài viết này.

Mất nhà vì chủ quan mua nhà vi bằng

trot-dai-vi-mua-nha-vi-bang-01

Anh N mua một ngôi nhà 2,5 tầng, diện tích đất 3,2 x 10m của người đồng hương ở xã Tam Thới Môn, Hóc Môn, TP.HCM giá 570 triệu. Vì diện tích nhỏ hơn quy định được tách sổ nên ngôi nhà này vẫn chung sổ đỏ với 3 ngôi nhà nữa. Do nhà không chung giấy tờ nên khi mua bán, anh chỉ lập vi bằng về việc giao dịch. Yên tâm có bản vi bằng của thừa phát lại nên anh cũng không quá sát sao vụ đưa tên vào sổ đỏ chung. Không ngờ người bán bất lương đã đem bất động sản đi cầm cố, khiến gia đình anh phải dọn ra ngoài do ngân hàng siết nợ, số tiền mua nhà gần 600 triệu coi như mất trắng.

Anh không biết rằng vi bằng của thừa phát lại chỉ ghi nhận việc giao dịch với chủ nhà chứ không chứng thực việc mua bán tài sản, nên chỉ có giá trị khởi kiện chủ nhà lừa đảo mình. Có điều, họ đã phá sản rồi thì lấy đâu ra tiền để trả.

Mua nhà vi bằng cần lưu ý điều gì?

Để tránh rủi ro khi mua nhà vi bằng, người mua cần trang bị những kiến thức sau:

Vi bằng không phải là thủ tục hành chính bảo đảm giá trị tài sản, không phải là cơ sở để sang tên đổi chủ cho bên mua. Văn phòng thừa phát lại cũng chỉ ghi nhận hành vi trao đổi, giao dịch tiền, giấy tờ chứ không chứng thực việc mua bán tài sản.

Mua bán nhà qua vi bằng chỉ dừng lại ở giá trị là chứng cứ nhưng chưa đủ điều kiện pháp lý để sang tên tài sản cho bên mua.

Vi bằng chỉ có giá trị khi được đăng ký tại Sở Tư pháp. Như vậy, những vi bằng chưa được đăng ký tại Sở Tư pháp đều không có giá trị. Thời hạn có hiệu lực của vi bằng không bị giới hạn. Trường hợp vi bằng bị từ chối đăng ký tại Sở Tư pháp sẽ không có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án. Đây cũng không là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Nếu trong trường hợp phải mua nhà vi bằng, cần thực hiện thủ tục sang tên sổ hồng, sổ đỏ càng sớm càng tốt.

Việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất phải được lập thành văn bản (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất) có công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau đó, phải tiến hành các thủ tục đăng ký trước bạ, sang tên (đăng ký biến động) cho bên mua tại Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện mới đúng quy định của pháp luật.

Nếu không hiểu rõ về hợp đồng, thủ tục mua bán nhà đất, bạn nên nhờ đến sự cố vấn từ những chuyên gia pháp lý, luật sư bất động sản trước khi “xuống tiền” nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc.

Xem tiếp